Ngành giáo dục huyện Hải Hậu quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động giáo dục kỹ năng sống đối với sự phát triển toàn diện của học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện Hải Hậu luôn quan tâm, tăng cường hoạt động này dưới nhiều hình thức phù hợp và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Để triển khai thực hiện công tác rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, các trường học trên địa bàn huyện đã lựa chọn thực hiện các hình thức như: tổ chức hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm, dự triển lãm hay lồng ghép trong các tiết học, sinh hoạt dưới cờ, …Đối với cấp mầm non, việc rèn luyện kỹ năng sống được thực hiện tích hợp qua các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Ví dụ như: dạy trẻ kỹ năng ăn uống: dạy trẻ trong hoạt động giáo dục dinh dưỡng, dạy trẻ trong hoạt động ăn; dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ: biết tự đi giày dép, biết tự mặc quần áo, biết một số thao tác vệ sinh như rửa mặt, rửa tay, giáo viên dạy trẻ trong hoạt động lao động vệ sinh, kỹ năng biết dọn dẹp, cất gọn đồ dùng, đồ chơi... Ngoài ra còn một số kỹ năng sống được giáo viên dạy trong các giờ học như: Kỹ năng thoát hiểm khi gặp đám cháy; Kỹ năng phòng chống đuối nước; Kỹ năng xử lý khi gặp người lạ; Kỹ năng gấp quần áo...để trẻ được tìm hiểu về các nguyên nhân và cách xử lý vấn đề được kỹ hơn qua đó trẻ sẽ ghi nhớ lâu hơn.




Một số hoạt động làm bưu thiếp của cô và trò trường mầm non Hải Lý
Dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm khi gặp đám cháy
Dạy trẻ kỹ năng gấp quần áo
Tại trường mầm non Hải Lý, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ là việc làm thường xuyên và được nhà trường lồng ghép trong các hoạt động hàng ngày của trẻ. Với mong muốn mang đến các con mầm non thật nhiều tình yêu thương bằng những hoạt động ý nghĩa, nhà trường đã tổ chức chuỗi hoạt động với chủ đề “ ngày hội trao gửi yêu thương”. Tại đây, nhà trường đã tổ chức triển lãm trưng bày những món quà của các lớp để các bậc phụ huynh tham gia bình chọn món quà có ý nghĩa và đẹp nhất sẽ trao giải thưởng. Để có buổi triển lãm thành công, trước đó một tuần, nhà trường phát động các lớp: Mỗi phụ huynh sẽ cùng con làm một món quà ( thiệp chúc mừng, lẵng hoa, tranh…) bằng các nguyên liệu tái chế như lắp chai nhựa, bìa giấy, gạo, ngô, lá, cây, hoa,…trông rất ngộ nghĩnh, đáng yêu và gửi về lớp để trưng bày, sau đó lớp sẽ chọn ra 5 món quà của cá nhân trẻ và 01 món quà của tập thể lớp đẹp nhất và ý nghĩa nhất gửi về nhà trường để tham gia triển lãm. Ở đây, các bé được thể hiện tình yêu thương của mình với mẹ, với bà, với cô dưới nhiều hình thức như trao gửi những lời yêu thương của mình qua các tấm thiệp tự tay con làm hay những bó hoa sắc màu… trẻ cảm nhận được rằng “ Mỗi ngày đến trường là 1 ngày vui, đi học là niềm hạnh phúc”.


Trẻ cùng phụ huynh trong buổi triển lãm tại ngày hội của trường
Trẻ thể hiện tình yêu thương của mình với cô và mẹ
Những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn lao, dạy cho các con biết lan tỏa tình cảm yêu thương đến mọi người.
Tương tự, nhằm nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, thời gian qua, trường Tiểu học Hải Cường đã tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng nhiều hình thức: Thông qua các môn học trong giờ chính khóa, dạy các tiết kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động trải nghiệm …Trường đã tổ chức chuỗi các hoạt động thiết thực cho học sinh xoay quanh chủ đề tháng 10 “Lòng biết ơn” như: Làm bưu thiếp, hoạt động cắm hoa, đố vui, giao lưu văn nghệ…
Hoạt động làm bưu thiếp của cô và trò trường tiểu học Hải Cường
Có mặt tại các lớp, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc rạng ngời trên từng khuôn mặt của các em học sinh. Với sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo và những đôi bàn tay khéo léo của các em học sinh, từ những vật liệu đơn giản như giấy màu, bút màu, hoặc các loại hạt, lá cây... mỗi em đã tự làm lên những tấm bưu thiếp thật đẹp chứa đựng những lời chúc ngộ nghĩnh, những nét chữ nắn nót thể hiện sự chân thành luôn là những món quà tuyệt vời nhất. Em Bùi Khánh Thy, học sinh lớp 5A chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui và phấn khởi khi mình và các bạn cùng tham gia hoạt động thú vị như thế này, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, tự tay em đã làm ra tấm thiệp nhỏ xinh này, em sẽ mang về nhà để tặng mẹ của em, chắc chắn mẹ em sẽ rất là vui....”
Hoạt động cắm hoa của cô và trò trường tiểu học hải cường
Hoạt động cắm hoa cũng được các em hưởng ứng tích cực. Các em rất hào hứng chuẩn bị những bông hoa tươi với nhiều sắc màu để cùng nhau tạo nên những lẵng hoa xinh xắn và ý nghĩa. Hoạt động này giúp các em rèn kỹ năng sống tự tin, mạnh dạn, hoạt động nhóm tích cực, chủ động.
Các em học sinh lớp 4C thỏa sức sáng tạo trong tiết học
Hay như tiết học công nghệ của lớp 4C, thầy giáo Phạm Hữu Phúc đã giảng dạy bài “trồng hoa, cây cảnh trong chậu”. Ở tiết học này, các em học và làm theo nhóm, được thỏa sức sáng tạo, tìm hiểu về các loại chậu từ những vật liệu tái chế để bảo vệ môi trường, tự mình trồng và chăm sóc cây. Các nhóm sẽ lựa chọn vật liệu và dụng cụ phù hợp để tạo ra các chậu trồng hoa, cây cảnh và trang trí cho chúng. Sau đó các em dùng những sản phẩm vừa tạo ra thiết kế đặt ở những vị trí đẹp tạo không gian xanh cho lớp học hay ngôi trường của mình.
Hoạt động tập thể của trường tiểu học hải cường
Việc giáo dục học sinh thông qua công tác giáo dục kỹ năng sống nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh, phù hợp với yêu cầu của chương trình GDPT 2018. Thông qua giáo dục kỹ năng sống thì học sinh mới có những trải nghiệm thực tế nhất về cuộc sống để rèn luyện tinh thần tự lập, tinh thần làm việc nhóm và năng lực cá nhân. Chính vì vậy, trường tiểu học Hải Cường trong nhiều năm qua luôn cố gắng đổi mới sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để học sinh thực sự được tham gia tích cực vào quá trình dạy học của giáo viên, được tương tác trực tiếp với bạn và cô, có cơ hội tự tin thể hiện hiểu biết của mình, nhằm đạt mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Năm học 2023 - 2024, các thầy cô trường Tiểu học Hải Xuân tiếp tục đưa những tiết học kết hợp giữa sách giáo khoa và trải nghiệm thực tế được triển khai đồng loạt dạy cho các học sinh. Trong đó, kỹ năng mềm như tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp,….Thông qua các trò chơi, các hoạt động đội, nhóm dưới sự hướng dẫn và khuyến khích của thầy, cô các học sinh thực hành. Đáp ứng Chương trình GDPT 2018, với mô hình giáo dục tích hợp STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên trường Tiểu học Hải Xuân đã có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để học sinh thực sự được tham gia tích cực vào quá trình dạy của giáo viên, được tương tác trực tiếp với bạn và cô, có cơ hội tự tin thể hiện hiểu biết của mình.
Cô giáo hướng dẫn các nhóm thực hành
Tham dự sinh hoạt chuyên môn của cụm miền số 2, cấp Tiểu học tại trường Tiểu học Hải Lý, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh đã dạy 1 tiết Tự nhiên và Xã hội với chủ đề bài học “Họ hàng và những ngày kỉ niệm của gia đình”. Không khí lớp học lập tức trở nên vui vẻ với phần khởi động sôi nổi khi học sinh được tham gia bài hát “Có Ông Bà, có Ba Má” gắn với nội dung bài học.
Học sinh đại diện nhóm lên trình bày ý tưởng
Học sinh tự tin thuyết trình sản phẩm của nhóm
Vào tiết học, khác với lớp học truyền thống, các bàn được kê lại để học sinh ngồi quây thành từng nhóm. Mỗi nhóm đều được đặt tên riêng và say sưa thảo luận ý tưởng. Trong một tiết dạy có 2 hoạt động chính là thực hành và vận dụng, song có nhiều nội dung, hoạt động nhỏ, đòi hỏi nhiều ý tưởng thiết kế các hình thức tổ chức khác nhau phát huy năng lực học sinh nhiều nhất. Dưới sự hướng dẫn của cô Hạnh, các em được lựa chọn vật liệu và dụng cụ, tự do sáng tạo ý tưởng: làm sản phẩm, trang trí “Cây gia đình” để giới thiệu về các thành viên trong gia đình mình. Các em học sinh rất hào hứng tham gia hoạt động làm việc theo nhóm… Khi sản phẩm hoàn thành, các em suy nghĩ cách trình bày, thuyết trình trước đám đông một cách tự tin, cuốn hút, hấp dẫn và thuyết phục thầy, cô cùng bạn bè trong lớp. Chính điều này giúp học sinh gắn kết và đoàn kết với bạn bè, giúp các em ham học, chủ động lĩnh hội kiến thức.
Đối với cấp trung học cơ sở, việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh bằng các hình thức hoạt động chủ yếu là Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ; Với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường; lồng ghép, tích hợp giáo dục kỹ năng sống trong kế hoạch giáo dục của các bộ môn.
Học sinh trường THCS Hải giang giao lưu trả lời câu hỏi trực tiếp về tìm hiểu lịch sử địa phương tại buổi sinh hoạt dưới cờ
Buổi tuyên truyền phòng cháy chữa cháy tại trường
Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, tại trường THCS Hải Giang, thời gian qua, nhà trường cũng luôn chú trọng hoạt động dạy học trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, tính sáng tạo trong học tập và sinh hoạt hàng ngày, tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân. Việc học tập, trau dồi kiến thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một điều vô cùng cần thiết. Nhưng song song với điều đó, các em học sinh cũng cần được rèn luyện và nâng cao kỹ năng sống để có được thành công trong tương lai. Vì thế, trường THCS Hải Giang đặc biệt chú trọng đến hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho Học sinh và coi đây là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt quá trình dạy và học. Theo đó, nhà trường đã lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào nội dung bài giảng chính khóa ở nhiều môn học đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT và ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông trong năm học; Sinh hoạt dưới cờ với các chủ đề, nói chuyện về truyền thống quê hương, đất nước, tổ chức các trò chơi nhân dịp kỷ niệm, các hoạt động tập thể... Hoạt động này đã tác động lớn đến giáo dục đạo đức cũng như giáo dục truyền thống cho học sinh, từ đó giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, hòa nhập môi trường tập thể và nêu cao ý thức phấn đấu, rèn luyện, tự lập.

Tiết học trải nghiệm lớp 6A
Có mặt tại tiết học trải nghiệm lớp 6A, mới cảm nhận được niềm phấn khởi, hứng thú của các em trong suốt buổi học. Tiết học với chủ đề “ Chăm sóc cuộc sống cá nhân”, ở đây, các em sẽ tự mô tả một tình huống giả định mà mình có thể nóng giận hoặc lo lắng, sau đó sắm vai xử lí các tình huống đó. Với các tình huống giả định được đưa ra, các em chia thành nhóm và chọn cùng nhau thảo luận ở ngoài không gian lớp học. Đặc biệt, trong quá trình học, các em còn được tham gia trò chơi “ Ai là triệu phú” xoay quanh các câu hỏi và tình huống của bài học.

Các em tham gia trò chơi “Ai là triệu phú”
Thảo luận nhóm cho các tình huống bài học
Các nhóm xử lý tình huống của bài học ở ngoài không gian lớp học
Thông qua tiết học, giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng tự tin ứng xử tốt với các tình huống trong cuộc sống. Các em rèn được kỹ năng làm việc theo nhóm, ứng xử văn hóa, hòa đồng bạn bè, bắt đầu các em biết điều chỉnh bản thân phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.
Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều hoạt động mà các trường học trên địa bàn huyện đã thực hiện để rèn luyện, giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh. Thông qua các hoạt động này, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường, mà còn giúp các em mạnh dạn, tự tin thể hiện mình và tham gia các hoạt động xã hội. Để hoạt động này đạt kết quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, các nhà trường trên địa bàn huyện cần tiếp tục dạy KNS lồng ghép trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ. Đối với THCS tổ chức hoạt động chủ yếu là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ; Với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường; lồng ghép, tích hợp GD KNS trong KHGD của các bộ môn. Đối với Tiểu học cần tiếp tục tuyên truyền giáo dục, đẩy mạnh công tác giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Chỉ đạo các trường giáo dục kĩ năng sống cho học sinh thông qua tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp mỗi tuần, tích hợp, lồng ghép trong các môn học. Tổ chức, triển khai hình thức giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá hoạt động của giáo viên, tổ chức tọa đàm rút kinh nghiệm việc triển khai và thực hiện giáo dục kĩ năng sống trên quy mô tổ, trường. Đặc biệt, ngoài sự nỗ lực của các nhà trường, ngành giáo dục cần sự phối hợp chặt chẽ của mỗi gia đình, các bậc phụ huynh để giúp con em mình từng bước hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức cần thiết cho học tập và cuộc sống.
Vũ Diên – Kim Luyên